Nổi bật

Bí mật để đoạt giải thưởng nhiếp ảnh thiên văn | Nhiếp ảnh thiên văn với Luke Tscharke Phần 3

by Luke Tscharke

Article Categories

Nhiếp ảnh gia được đánh giá cao Luke Tscharke vẫn luôn mê đắm cảnh đêm, đặc biệt là Dải Ngân Hà, và cảm giác hồi hộp khi chụp những chủ đề này. Vào năm 2014, anh dấn thân vào lĩnh vực này và mua một chiếc máy ảnh Alpha 7S. Kể từ đó, với anh, nhiếp ảnh thiên văn đã không còn như xưa.  

Luke chia sẻ rằng: “Khi đó, không có chiếc máy ảnh nào giống như vậy. Chiếc máy này có hiệu quả hoạt động khó tin trong ánh sáng yếu nên chụp được những bức ảnh đêm thật sự nổi bật. Chính chiếc máy ảnh này đã truyền cảm hứng để tôi đi tới những địa điểm trong bán kính 25 km từ trung tâm Sydney, nơi tôi sống, và chụp ảnh bầu trời đêm cùng Dải Ngân Hà”.  

Để phát huy hiệu quả của chiếc máy ảnh này, Luke dành thời gian nghiên cứu những loại ống kính phù hợp nhất với nhiếp ảnh thiên văn. Anh nhận thấy các ống kính một tiêu cự góc rộng của Sony đáp ứng tất cả yêu cầu để anh nâng tầm những bức ảnh chụp cảnh đêm của mình. “Tôi nghĩ chính nhờ việc vừa tìm được thiết bị tốt nhất, vừa nghiên cứu các kỹ thuật và địa điểm phù hợp nhất mà tôi có thể chụp được những bức ảnh mà tôi không bao giờ dám mơ sẽ chụp được khi bắt đầu hành trình này”.  

Alpha 7 IV | FE 14 mm F1.8 GM | 1225 giây | F1.8 | ISO 3200

Các thiên hà, chòm sao, hành tinh và mặt trăng là những chủ thể phổ biến của nhiếp ảnh thiên văn. Nếu bạn thích ghi lại những cảnh đêm choáng ngợp thì bạn may mắn đấy vì Luke đã chia sẻ các bí quyết để đoạt giải thưởng nhiếp ảnh thiên văn của mình.  

Học hỏi kỹ thuật chụp  

Nhiếp ảnh thiên văn đòi hỏi các cài đặt thiết bị và kỹ thuật cụ thể nên rất dễ hiểu khi bạn không thu được kết quả hoàn hảo trong lần thử đầu tiên. Để giúp bạn đạt được kết quả mong muốn, hãy tìm hiểu các cài đặt thiết bị và những kỹ thuật hữu ích nhất mà Luke dùng khi chụp ảnh thiên văn:  

Cài đặt thiết bị để phơi sáng lâu  

Trong nhiếp ảnh thiên văn, phơi sáng lâu đảm bảo cảm biến máy ảnh có đủ thời gian để chụp lại chủ thể trong bầu trời đêm với điều kiện rất thiếu sáng. Một lựa chọn cài đặt phù hợp để bắt đầu là tốc độ màn trập khoảng 20-30 giây. Luke gợi ý rằng để phơi sáng lâu hơn 30 giây, bạn sẽ cần chụp bằng chế độ bulb. Để thực hiện, hãy chọn chế độ thủ công trên máy ảnh và điều chỉnh tốc độ màn trập vượt quá 30 giây cho đến khi máy ảnh hiển thị “BULB”. Tiếp theo, hãy tìm cách mở màn trập từ xa bởi vì bạn sẽ khó có thể bấm nút chụp liên tục nhiều lần. Phương pháp mà Luke thích dùng là kết nối máy ảnh với ứng dụng Imaging Edge để có thể kiểm soát độ phơi sáng dễ dàng hơn và vận hành màn trập qua điều khiển Sony Bluetooth.  

Anh giải thích rằng: “Sau khi mở màn trập bằng điều khiển, bạn cần đặt bộ đếm giờ theo thời gian phơi sáng mong muốn. Như vậy, bạn có thể đóng màn trập khi khoảng thời gian này kết thúc”.  

Cài đặt ống kính cho khoảng cách không giới hạn  

Những thiên thể này cách chúng ta rất xa nên ống kính có thể khó lấy nét. Đặt vòng lấy nét đến vô cực là kỹ thuật chụp ảnh thiên văn phổ biến nhằm lấy nét rõ ràng các thiên thể này. Nhưng Luke lại thích lấy nét vào chủ thể bằng tay vì cách làm này đảm bảo hình ảnh sẽ rõ nét nhất có thể. Nhiếp ảnh gia thiên văn này cho biết: “Cách dễ nhất là lấy nét vào nguồn sáng ở xa nhất, dù là ánh đèn đường, mặt trăng và tất nhiên là ngay cả chính những vì sao nữa”.

Alpha 7 IV | FE 20mm F1.8 G | 2,5 giây | F1.8 | ISO 10000

Cài đặt độ trễ màn trập  

Cách làm lý tưởng là đặt độ trễ màn trập bằng bộ hẹn giờ tự động, nhất là khi bạn chụp bằng chân máy ba chân. Nhìn chung, Luke sẽ hẹn giờ chụp sau 2 giây để tránh ảnh bị nhòe do chuyển động nhẹ nhất từ khi bấm cho tới lúc nhả nút chụp của máy ảnh. Độ trễ màn trập cho phép các rung động hay bất kỳ dạng chuyển động nào sinh ra từ hành động bấm nút biến mất trước khi ảnh được chụp.  

Chỉnh sửa hậu kỳ  

Chỉnh sửa là phần quan trọng khi chụp ảnh bầu trời đêm. Nhiếp ảnh thiên văn buộc máy ảnh phải phát huy trọn vẹn hiệu suất chụp ảnh trong ánh sáng yếu nên có thể đưa vào ảnh các hạt nhiễu và những tạo tác khác, cũng như làm giảm độ sắc nét của chi tiết. Quá trình chỉnh sửa ảnh loại bỏ những đặc tính này và cải thiện chất lượng tổng thể của bức ảnh. Ở khâu này, nhiếp ảnh gia cũng có thể kiểm soát tốt hơn yếu tố sáng tạo, cũng như đưa vào đó phong cách và tầm nhìn cá nhân.  

Trong bước hậu kỳ, điều quan trọng nhất cần cân nhắc là đảm bảo hình ảnh rõ nét nhất có thể ngay từ khi chụp bởi vì quá trình chỉnh sửa không thể hoàn toàn khắc phục ảnh nhòe mờ. Hãy nhớ rằng chỉ ảnh gốc chất lượng cao mới cho ra ảnh đã chỉnh sửa chất lượng cao.  

Luke chia sẻ rằng: “Thật may là máy ảnh Alpha có cảm biến hình ảnh tuyệt vời, chụp được dải tần nhạy sáng rộng với độ nhiễu thấp. Nhờ đó, bạn có thể khôi phục vùng sáng và vùng tối hết sức hiệu quả trong quá trình xử lý hậu kỳ, mang đến nhiều lựa chọn điều chỉnh. Cảm biến cùng với dòng ống kính GM tuyệt vời cũng ghi lại được hình ảnh sắc nét ở khẩu độ rất rộng để cảm biến có thể phát hiện nhiều ánh sáng hơn. Điều này rất quan trọng khi không có đủ ánh sáng.  

Luke nói rằng: “Tôi cố gắng chỉnh sửa ảnh của mình ít nhất có thể và thường chỉ trộn ảnh hoặc điều chỉnh màu, sau đó tăng độ sắc nét cho bản in và web. Tôi không tạo ảnh phức hợp, ví dụ như di chuyển vị trí của chủ thể trong quá trình hậu kỳ, vì tôi muốn mình có thể nói rằng bức ảnh này thể hiện chính xác hình ảnh của bầu trời đêm như khi tôi có mặt tại đó”.  

Alpha 7 IV | FE 20mm F1.8 G | 2,5 giây | F1.8 | ISO 10000

Luke chủ yếu dùng Lightroom và Photoshop để chỉnh sửa ảnh. Với anh, Lightroom là công cụ để “cắt gọt kim cương”, còn Photoshop là công cụ “đánh bóng kim cương”.  

Anh dùng Lightroom để giảm độ tương phản của ảnh rồi đưa lại độ tương phản vào một cách chọn lọc nhằm làm nổi bật đối tượng. Công cụ này cũng thêm hiệu ứng làm mờ viền nhẹ bằng lớp mặt nạ tỏa tròn bao quanh tâm điểm là chủ thể muốn nhấn mạnh. “Khi tránh sử dụng quá nhiều thanh trượt vùng tối, bạn sẽ hé mở các khu vực tối hơn trong ảnh và làm lộ ra một chút độ nhiễu. Thay vào đó, hãy thử giảm độ tương phản để thu được hiệu ứng tương tự mà vẫn duy trì được độ nhiễu tốt hơn”.  

Mặt khác, Photoshop được dùng cho các lớp điều chỉnh bằng đường cong và thêm lại độ tương phản vào toàn bộ bức ảnh. Công cụ này cũng đảm bảo các vùng tối hơn và sáng hơn trong ảnh cân bằng tương xứng hơn. Theo anh, “Photoshop rất hiệu quả trong việc giảm nhiễu hơn nữa, nhất là khi sử dụng nhiều phần bổ sung chuyên phục vụ mục đích này. Tôi cũng sử dụng công cụ này để cân bằng màu và đảm bảo tông màu tổng thể hợp lý. Tôi biết mình đã chỉnh sửa xong khi mỗi phần trong ảnh đều vừa mắt, còn màu sắc và độ tương phản thì mang lại cảm giác cân bằng”.  

Luke nói thêm: “Đôi khi, tôi chỉ mất vài phút để chỉnh sửa ảnh, nhưng hầu hết thời gian, tôi cần đến vài giờ đồng hồ. Tôi thường chỉ ngồi vào máy và bắt đầu làm việc. Tôi không dừng lại khi chưa làm xong và chưa thấy hài lòng với kết quả!”  

Mài giũa kỹ năng  

Alpha 7 IV | FE 14 mm F1.8 GM | 8 giây | F1.8 | ISO 6400

Theo Luke, bí quyết này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng cách tốt nhất để thực sự cải thiện kỹ năng chính là luyện tập. Bạn chụp và thử thách kỹ năng của mình càng thường xuyên, bạn càng học hỏi được nhiều hơn và tiến bộ hơn cho lần chụp sau đó. Nếu bạn có đam mê với chủ đề bạn chụp, quá trình theo đuổi nhiếp ảnh sẽ dễ dàng hơn vì đam mê tạo cho bạn niềm khao khát vô hạn là được ra khỏi nhà và chụp lại hình ảnh của thế giới. Luke hào hứng chia sẻ rằng: “Tôi thường thấy mình ở ngoài trời trong thời tiết lạnh cóng hoặc trên con đường mòn lớn dẫn đến địa điểm chụp với suy nghĩ là tôi sẽ không bao giờ có thể thúc đẩy bản thân làm việc đó nếu không có niềm đam mê nồng cháy. Đó chính là thứ khiến tôi có động lực rời giường lúc 3 giờ sáng dù đang say giấc trên chiếc giường ấm áp”.  

Ngoài ra, tinh thần gan dạ để luôn khám phá cũng là yếu tố không thể thiếu giúp bạn cải thiện kỹ năng. Bạn cần học hỏi những điều mới trong mỗi buổi chụp, nhất là khi đang thử điều gì đó mới mẻ, rồi áp dụng hiểu biết này vào buổi chụp tiếp theo. Xem hướng dẫn trên mạng, đọc bài blog và nghiên cứu tác phẩm của các nhiếp ảnh gia bạn ngưỡng mộ cũng rất hữu ích.  

Điều cuối cùng, kỹ năng của bạn cần được hỗ trợ bằng những thiết bị tốt nhất. Nhiếp ảnh thiên văn không phải thể loại dễ dàng nên thiết bị của bạn cần đáp ứng được yêu cầu của loại hình này. Trong suốt sự nghiệp của mình, việc đầu tư vào thiết bị tốt nhất trong khả năng đã giúp ích cho Luke rất nhiều. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn thiết bị cản trở tiềm năng bắt trọn khoảnh khắc của mình. Suy cho cùng, khi chụp ảnh ban đêm, việc đầu tư vào thiết bị có chất lượng cao hơn sẽ luôn mang lại kết quả xứng đáng.  

Alpha 7 IV | FE 14 mm F1.8 GM | 1035 giây | F1.8 | ISO 3200

Giờ đây, trước khi bạn bước ra ngoài và ghi lại hình ảnh bầu trời đêm hấp dẫn, Luke muốn gửi đến bạn một số lưu ý. “Hãy bắt đầu chụp ảnh và không ngừng khám phá! Hãy tận hưởng cảm giác tuyệt vời khi đứng dưới bầu trời sao trong cả đêm”.  

Bạn chưa biết phải bắt đầu từ đâu để chuẩn bị cho buổi chụp ảnh thiên văn của mình? Chúng tôi có thể giúp bạn. Đừng quên xem phần đầu tiên trong loạt bài về nhiếp ảnh thiên văn này để tìm hiểu cách chọn địa điểm hoàn hảo cho buổi chụp. Phần 2 thảo luận những đồ dùng thiết yếu mà bạn nên mang theo để sẵn sàng đương đầu với mọi tình huống. Chúc bạn may mắn và gặp được bầu trời quang đãng!  

Article Theme

We would like to request access to your Geolocation to provide you with a customised experience. Please know that you can withdraw your consent at any time via your browser settings.